Mới đây, một số video ghi lại cảnh người Nhật chặt cây sau khi có người xin hoa quả được chia sẻ trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý và gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều người thắc mắc về lý do đằng sau hành động này.
Tối kỵ người ngoài nhòm ngó nơi ở
Chia sẻ với phóng viên Dân trí về vấn đề này, anh Nguyễn Nhật Nam (tên nhân vật được thay đổi) – Phó Tổng giám đốc một công ty chuyên cung ứng sang Nhật Bản – cho biết, việc người Nhật phá bỏ cây sau khi có người xin quả xuất phát từ nhiều lý do khác nhau.
Đầu tiên, người Nhật rất coi trọng việc sở hữu và kiểm soát tài sản riêng tư. Việc có người xin hái hoa quả khiến chủ nhà cảm thấy lo lắng về việc mất quyền kiểm soát, sử dụng tài sản của họ.
Bên cạnh đó, nhiều chủ nhà lo ngại, dễ dàng đồng ý với yêu cầu của người khác có thể dẫn đến việc bị lợi dụng sau này. Họ sợ cho lần này, lần khác sẽ lại có người đến xin, trái cây trong vườn có thể bị trộm.
“Nhiều gia đình lo lắng rằng cho phép người khác hái trái cây thì nhiều người khác sẽ tự ý đến hái, lén hái, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Cũng có gia đình lo lắng về việc họ có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu không may xảy ra trường hợp tai nạn khi leo trèo. Do đó, họ quyết định chặt cây để tránh những rắc rối tiềm ẩn.
Tuy nhiên, việc chặt bỏ cây chỉ là hành động mang tính cá nhân, không phải gia đình người Nhật nào cũng như vậy. Người Nhật rất tôn trọng quyền riêng tư. Họ không làm phiền mọi người xung quanh và cũng không muốn người khác làm ảnh hưởng đến mình”, anh Nam phân tích.
Từng nhiều năm sinh sống và làm việc ở đất nước mặt trời mọc, chị Nguyễn Thùy Linh, 45 tuổi, chủ một chuyên cung ứng lao động kỹ thuật sang Nhật Bản không bất ngờ câu chuyện chặt cây lại gây tranh luận nhiều vậy.
Nhắc lại việc cách đây hơn 20 năm, chị Linh kể, có lần trên đường đi học về, chị và nhóm bạn cùng phòng rủ nhau vào vườn của một gia đình người Nhật mà không xin phép.
“Ngày đó, chúng tôi suy nghĩ đơn giản, tưởng ở Nhật cũng giống Việt Nam. Thấy vườn nhà người ta nhiều quả chín, rụng đầy gốc không ai hái nên mấy chị em vui đùa, rủ nhau lẻn vào hái.
Sau đó cả nhóm bị chủ nhà bắt tại trận. Biết họ không thích như vậy, chúng tôi rối rít xin lỗi”, chị Linh nói.
Hơn 10 năm sống tại Nhật, đến nay chị Linh đã hiểu khá rõ việc người Nhật rất coi trọng không gian sống riêng tư, thậm chí từng cái cây, chậu cảnh ở nhà. Trong vườn, người Nhật thường trồng rất nhiều cây ăn quả, đặc biệt là cây hồng.
“Dù cây có nhiều quả tới đâu, chín rụng kín gốc các gia đình cũng chỉ để ngắm chứ không ăn. Nếu lỡ có người lạ vào xin hoặc hái trộm, gia chủ thường nghĩ rằng ngôi nhà của họ đang bị người khác dòm ngó. Do đó, dù yêu thích cái cây, họ chấp nhận chặt bỏ để tránh gặp phiền phức và mất công trông coi.
Tôi từng biết câu chuyện về một nhóm thực tập sinh Việt Nam thấy ngôi nhà bên đường có cây hồng sai trĩu quả tưởng là quả hồng ngọt nên vào xin. Tuy nhiên, loại hồng này chát xít, người Nhật thường chỉ phơi khô để làm mứt chứ không ăn trực tiếp.
Thấy có người vào xin, hôm sau chủ nhà cũng chặt bỏ cây đi vì sợ khi xin hết quả hồng, những vị khách lạ sẽ để ý những thứ khác trong vườn”, chị Linh nói.trích dẫn từ Khe web trực tiếp
Thấy quả rụng đầy đường cũng đừng dừng lại xin
Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Nam cho biết, văn hóa xin – cho ở Nhật Bản khác biệt so với nhiều quốc gia khác. Do đó, khi sinh sống và làm việc ở Nhật Bản phải tôn trọng văn hóa của người bản địa.
Theo anh Nam, trước khi muốn lấy bất cứ đồ vật gì không phải của mình, cần xin phép, hỏi ý kiến, để tránh những hiểu lầm và mâu thuẫn không đáng có. Kể cả cây ăn quả mọc ở nơi công cộng cũng phải tôn trọng quyết định của những người sinh sống lân cận, bất kể quyết định có là đồng ý hay không.
“Có thể hôm nay chủ nhà vui vẻ cho mình nhưng chưa chắc ngày mai họ đã đồng ý. Nhiều thực tập sinh sang Nhật lầm tưởng, nghĩ rằng hôm nay xin được, ngày mai lại đến xin. Điều đó có thể là việc người Nhật “tối kỵ” vì bị người khác làm phiền như vậy”, anh Nam nói.
Theo anh Nam, quan niệm về việc sử dụng trái cây của người Nhật cũng rất khác so với ở Việt Nam. Họ e ngại về việc sử dụng trái cây tự trồng, đặc biệt là những cây được trồng ven đường hoặc nơi công cộng. Lý do là vì họ không thể đảm bảo được nguồn gốc, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của những loại quả này.
“Người Việt mình thường mang những thứ ‘của nhà trồng được’ biếu người thân, hàng xóm láng giềng. Song sự chu đáo này không phù hợp khi ở Nhật Bản bởi người dân nơi đây rất coi trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm
Khi tới nhà người khác chơi, người Nhật ưu tiên sử dụng trái cây được mua từ các cửa hàng uy tín để đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, họ cũng có thói quen không sử dụng những chai nước đã mở nắp hoặc trái cây gọt, bóc vỏ sẵn”, anh Nam nói thêm.
Đồng quan điểm, chị Linh chia sẻ thêm, con người Nhật rất khéo léo, tế nhị trong thái độ thể hiện, ngay cả khi gặp người không ưa thích.
“Tôi thường dành vài buổi để nói chuyện, chia sẻ với học viên của mình về văn hóa và con người Nhật Bản. Họ rất tế nhị, dù không thích hành động của người khác họ cũng không nói hay phản ứng trực tiếp vì ngại gây hiềm khích với mọi người xung quanh.
Đặc biệt, người Nhật không muốn chia sẻ về vấn đề vì cách nào cũng không ổn, nếu nói là giàu có sẽ bị người khác để ý, còn nói không có tiền lại bị người khác coi thường”, chị Linh chỉ ra đặc điểm khác biệt trong quan niệm ở đất nước mặt trời mọc.
Từ kinh nghiệm của bản thân, theo chị Linh, việc hiểu và tôn trọng văn hóa Nhật Bản mang lại nhiều lợi ích cho người lao động, đặc biệt là trong việc mở ra cơ hội thăng tiến trong công việc.
“Văn hóa Nhật Bản đề cao tinh thần tập thể và sự hòa hợp trong cộng đồng, cũng đặc biệt coi trọng sự riêng tư, cá nhân. Tôn trọng văn hóa giúp nhân sự dễ dàng hòa nhập với môi trường làm việc, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với hàng xóm, đồng nghiệp và cấp trên”, chị Linh chiêm nghiệm.